Làm giàu trên biển quê hương
(06/06/2018). Số lượt xem:624
Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh, thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành vừa vinh dự là 01 trong 08 gương điển hình thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam được Trung ương tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
Hơn 30 năm trước, ông Cảnh cùng 18 như dân góp vốn thành lập Tổ hợp tác nghề cá. Tổ khởi đầu với 01 tàu công suất 33CV và chiếc thuyền công suất 22CV làm nghề lưới vây. Năm 2005, nắm bắt sự phát triển của nghề câu mực khơi, gia đình ông đóng thêm tàu công suất lớn hơn 420CV, giải quyết việc làm cho 35 lao động. Làm ăn hiệu quả, một năm sau, ông đóng thêm đóng tàu công suất 280 CV trị giá hơn 700 triệu đồng, hành nghề câu mực khơi, giải quyết việc làm cho 34 ngư dân. Liên tục trong 5 năm sau đó, từ 2012 đến 2016, gia đình ông đóng mới 5 tàu khác, với tổng công suất gần 1.000 CV. Trong đó có 01 tàu vỏ thép công suất 120CV đóng năm 2012, với sức chứa hơn 40 tấn dầu; vừa cung ứng cho đội tàu của gia đình, vừa cung ứng dầu cho 20 chiếc tàu cá khác đánh bắt trên biển.
Xuất phát từ thực tiễn đánh bắt trên biển, nhiều tàu chỉ trang bị nhiên liệu thực phẩm vừa đủ cho mỗi chuyến biển, khi đánh bắt xong sẽ vào bờ bán cá, mực. Theo phương thức đó vừa tốn nhiều thời gian đi về, mỗi mùa, ngư dân không đánh bắt được nhiều, vừa chi phí cao trong mỗi chuyến ra khơi. Năm 2017 và 2018, Ông Cảnh tiếp tục đóng 02 tàu công suất 456 CV làm nghề hậu cần thu mua cá của các tàu đánh bắt trên biển đem vào bán cho các tư thương trong bờ. Cũng xuất phát từ suy nghĩ làm sao cho “bạn” (người đi làm thuê cho chủ tàu trên mỗi chuyến biển) gắn bó với chủ tàu lâu dài, đảm bảo cho hoạt động khai thác được hiệu quả; Ông quyết định chuyển nhượng bớt cổ phần (tàu, thuyền) cho lao động cùng tham gia với đội tàu thuyền, giúp người lao động tăng thêm thu nhập.
Hiện ông Cảnh có đội tàu công suất lớn với 05 chiếc, tổng công suất gần 3.000cv, doanh thu hằng năm hơn 27 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động làm nghề lưới vây, cho thu nhập bình quân 70 triệu đồng/lao động/năm; lao động giỏi tay nghề cao có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, gia đình ông lãi ròng hơn 10 tỷ 800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đánh bắt hải sản, gia đình ông Cảnh còn xây dựng Nhà máy nước đá Kỳ Hà với diện tích hơn 1.200 mét vuông, công suất 10.000 cây đá/tháng, mỗi năm cung cấp hơn 90.000 cây đá cho các tàu ra khơi đánh bắt hải sản; mua bán các loại ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản.
Ngoài việc sản xuất, kinh doanh, tại địa phương, gia đình ông Cảnh luôn tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng các thiết chế văn hóa, đường bê tông nông thôn, công trình phúc lợi dân sinh; thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo hơn 100 xuất, trị giá hơn 50 triệu đồng.
Hưởng ứng sự vận động của địa phương, năm 2014, gia đình ông đưa 03 chiếc tàu công suất lớn hơn 700 CV cùng với nhiều tàu thuyền khác của huyện, của tỉnh ra khơi ở khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt hạ trái phép trong vùng biển của Việt Nam để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Với thành tích to lớn đó, ông Cảnh đã được tặng nhiều phần thưởng cao quí như danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam; huy hiệu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền .... Gặp lại ông, người con của biển cả, chúng tôi như được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để dấn bước trong cuộc sống dù có khó khăn trở ngại đến đâu.
Nguồn: Cổng TTĐT huyện Núi Thành
Tác giả: Đinh Hiếu Trung